Với điểm GPA từ 3.5 trở lên cùng bài luận và hoạt động ngoại khóa chất lượng, ứng viên có thể ghi điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh đại học Mỹ.
Tại Hội thảo du học Mỹ do American Study tổ chức cuối tuần trước, nhiều chuyên gia tư vấn du học đã chia sẻ và phân tích cách chuẩn bị một bộ hồ sơ ứng tuyển vào đại học top đầu Mỹ.
Theo các chuyên gia, ngoài điểm bài thi chuẩn hóa (SAT, ACT), bốn yếu tố tạo nên sức nặng của hồ sơ là điểm trung bình (GPA); bài luận cá nhân; hoạt động ngoại khóa và thư giới thiệu.
Với điểm học tập (GPA), theo bà Nguyễn Hồng Liên, Phó giám đốc tổ chức giáo dục American Study, đây là chỉ số đánh giá năng lực của ứng viên ở từng môn học, cũng như cả quá trình học phổ thông. Bà nhìn nhận, ứng viên có GPA từ 3.5 đến 4/4 (8.5-10) sẽ nổi bật trong mắt hội đồng xét tuyển và có cơ hội xin học bổng.
Yếu tố thứ hai là bài luận. Theo ông Trần Đắc Minh Trung, thạc sĩ Giáo dục Đại học Harvard, bài luận là vùng thể hiện màu sắc cá nhân, nêu bật tư duy khác biệt để nhà tuyển sinh ghi nhớ ứng viên là ai. Bài viết chiếm khoảng 30% trọng số của hồ sơ.
“Tôi khuyên các bạn tập trung toàn bộ thời gian, công sức vào bài luận vì đây là điều có thể thay đổi quyết định của nhà tuyển sinh”, ông Trung nói. Theo ông, bài viết hay thường có nét văn hóa đặc trưng và gia đình. Ông ấn tượng với một bài viết về phở. Ứng viên kể khi nấu nồi phở cùng bố mẹ thì cảm nhận được từng chuyển động vật lý trong nồi phở đó như thế nào. Thành phần của nồi phở đó bao gồm gì, tại sao chúng hòa quện với nhau…
“Đây không đơn thuần là bài viết mà như một thước phim tài liệu nói về con người, có hành động và chiều sâu nội dung. Đó là một bài luận thành công”, ông nhận xét.
Tương tự, ông John Schaefer, cựu thành viên ban tuyển sinh Đại học Harvard, cho rằng ứng viên cần bắt đầu bài luận từ sớm và thể hiện sự chân thật.
“Bài luận phải rõ ràng, cần cho thấy được sự đam mê, đưa ra những mối quan tâm trong cuộc sống và kể câu chuyện liên quan tới đam mê đó. Bài viết cũng phải phản ánh được sự phát triển cá nhân”, ông John chia sẻ.
Bên cạnh học thuật, các trường ở Mỹ còn quan tâm đến hoạt động ngoài nhà trường, ngoài lớp học của ứng viên.
Bà Liên cho biết điểm mạnh trong hồ sơ của học sinh Việt Nam là thành tích, năng lực học thuật, được thể hiện qua giải thưởng, huy chương ở cấp quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, ứng viên gặp khó khăn khi thể hiện nét riêng, tố chất của bản thân.
“Phương pháp giáo dục của Việt Nam chưa quá đề cao phát triển phần hồ sơ ngoại khóa dẫn đến ứng viên có lợi thế về mặt điểm số nhưng không cạnh tranh được ở hoạt động ngoại khóa”, bà Liên nói.
Theo chuyên gia, có những học sinh tham gia nhiều hoạt động nhưng không biết phải tập trung vào đâu nên không thể hiện rõ ràng con đường của mình. Bà khuyên thay vì chạy theo số lượng, hãy tập trung vào chất lượng. Hoạt động ngoại khóa nên được xây dựng liên quan đến chuyên ngành và con người của ứng viên.
Còn ông Trung cho rằng người làm tuyển sinh thường đánh giá hoạt động ngoại khóa của ứng viên qua quy mô, sự bền bỉ; sự tồn tại, hấp dẫn và khả năng lãnh đạo. Họ sẽ đặt câu hỏi: Hoạt động này bắt đầu khi nào? Có bao nhiêu người tham dự? Có diễn ra thường xuyên không hay nhàm chán, trùng lặp. Nhìn vào hồ sơ ứng viên, nhân viên tuyển sinh muốn thấy hoạt động đó có sống được hay không? Có người thừa kế không hay chỉ diễn ra một lần duy nhất để làm đẹp hồ sơ.
“Nhiều hoạt động công phu nhưng không hấp dẫn. Nó có thể làm dồi dào hồ sơ nhưng sẽ không phải là tài sản quý giá của bạn trong quá trình tranh đấu vào trường hàng đầu”, ông Trung nói.
Nhân viên tuyển sinh cũng sẽ xác thực hoạt động qua trang web, hình ảnh, video ứng viên đính kèm để xem xét về độ tin cậy.
Yếu tố cuối cùng cần chú ý là thư giới thiệu. Thư giới thiệu là góc nhìn của những người đồng hành với ứng viên ở trường trung học. Các nhà tuyển sinh tin rằng sự đánh giá của các thầy cô trong chặng đường này cho thấy khả năng học sinh có thể tiếp tục phát huy ở môi trường đại học hay không.
Ông Trung lưu ý ứng viên tránh nộp những thư giới thiệu chung chung, không làm rõ được tính cách, con người và điểm đặc trưng của bạn.
“Thư giới thiệu tệ sẽ viết kiểu bạn học cũng bình thường, không có gì nổi bật. Nếu nộp vào trường xếp hạng càng cao thì sự tầm thường của thư giới thiệu đôi khi là một yếu tố loại bỏ hồ sơ đó”, ông nói, cho biết việc sao chép hoạt động ngoại khóa của người khác cũng dễ khiến bạn không có cơ hội đi tiếp.
Hiện là thời điểm xét tuyển đại học ở Mỹ. Kỳ tuyển sinh sớm đầu tiên Early Decision (ED) có hạn chót thường rơi vào ngày 1/11 hoặc 15/11. Ứng viên nhận thông báo kết quả vào đầu hoặc giữa tháng 12.