Đây là một mốc lịch sử trong quan hệ hai nước và điều này mang lại những lợi ích cả lâu dài và trước mắt cho hai phía đồng thời đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Đánh giá về điều này, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã chia sẻ về những bước cần thiết để cụ thể hóa những điểm được nêu trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa hai nước.
PV: Năm 2023 là một dấu mốc đáng nhớ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ đánh giá thế nào về dấu mốc lịch sử này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Đã có những dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: năm 1995 hai nước bình thường hóa quan hệ, mở cơ quan đại diện ngoại giao, năm 2013 hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Trong suốt quá trình đó và đặc biệt là 10 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Sau 10 năm, bên cạnh nhiều kết quả trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, thương mại hai nước tăng hơn 4 lần, từ 30 tỉ USD năm 2013 lên trên 130 tỉ USD năm 2022, không kể đầu tư qua nước thứ ba, đầu tư thẳng từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tính đến 2023 là gần 12 tỉ USD, hầu hết các công ty lớn của Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam.
Hàng năm có khoảng 1 triệu lượt người Việt và Hoa Kỳ sang nhau. Hiện có gần 30.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư sang Hoa Kỳ, trong số đó, lớn nhất là VinFast hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại North Carolina.
Trên cơ sở những kết quả tốt đẹp đó, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 10 tháng 9 năm 2023 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Dấu mốc quan trọng này mở ra một giai đoạn lịch sử mới với khuôn khổ rộng mở và động lực mới cho hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, và giao lưu nhân dân.
PV: Theo Đại sứ, Việt Nam và Hoa Kỳ cần có những bước đi nào để cụ thể hóa những điểm được nêu trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa hai nước?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã xác định 10 trụ cột hợp tác chính trong quan hệ hai nước, cùng những mục tiêu, mong muốn và cam kết của cả hai bên. Việc cần thiết đầu tiên là phổ biến, lan tỏa nội dung, tinh thần của những thỏa thuận này để không chỉ các giới chính quyền, quốc hội mà cả các địa phương, doanh nghiệp và người dân ở cả hai nước biết và tham gia thực hiện. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức sẽ nghiên cứu, tính toán các nhu cầu và khả năng hợp tác, tìm kiếm đối tác phù hợp và lên kế hoạch, lộ trình hợp tác.
Tôi được biết hiện ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ, các cơ quan chức năng đang khẩn trương trao đổi, bàn bạc với nhau để xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể. Các địa phương và doanh nghiệp của 2 nước cũng đã bắt đầu tăng cường thăm viếng tìm hiểu và gặp gỡ trao đổi các cơ hội hợp tác.
Để việc thực hiện Tuyên bố chung được tốt, theo tôi, cũng cần có cơ chế điều phối mạnh, định kỳ rà soát và thúc đẩy tiến độ triển khai các thoả thuận, trong đó có việc xác định các vướng mắc, chậm trễ và tìm biện pháp tháo gỡ.
PV: Ngoài việc nâng cấp quan hệ, lãnh đạo Việt Nam cũng có các chuyến công tác cấp cao tại Hoa Kỳ trong năm 2023, vậy các hoạt động song phương và đa phương này đóng góp thế nào cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nói riêng và thúc đẩy chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Ngay sau khi quan hệ hai nước được nâng cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm làm việc tới Hoa Kỳ và dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2023 và tới tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại San Francisco theo lời mời của Tổng thống Biden.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, Quốc hội, học giả, các công ty/tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng như đại diện cộng đồng người Việt. Tại các cuộc gặp, các đồng chí Lãnh đạo đều khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Việt Nam triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì lợi ích của cả hai bên, cũng như đóng góp cho khu vực và thế giới. Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi trong xã hội Hoa Kỳ đối với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Nhân các chuyến thăm này, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực có các hoạt động kết nối với các địa phương và đối tác Hoa Kỳ. Hàng chục thoả thuận đã được ký kết. Đây vừa là kết quả, vừa là sự triển khai cụ thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trên bình diện chính sách đối ngoại nói chung, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao ta sang Hoa Kỳ dự Đại hội đồng Liên hợp quốc và Cấp cao APEC tiếp tục thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá và đa phương hoá, khẳng định Việt Nam là đối tác có trách nhiệm, có quyết tâm và đóng góp thực sự vào việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ cũng sẽ có tác động tích cực tới hoạt động của các tổ chức này, nhất là khi hai nước đã xác định công tác phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế là một trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
PV: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ có kế hoạch hay ưu tiên nào để góp phần triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Với vai trò và nhiệm vụ của mình, việc tham gia xây dựng, xác định nội hàm, cụ thể hóa và thúc đẩy triển khai đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trong suốt thời gian qua cũng như hiện nay luôn là ưu tiên quan trọng hàng đầu của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Cụ thể, các nhiệm vụ chính của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại Hoa Kỳ là tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam và về ý nghĩa của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ với các địa phương, doanh nghiệp và người dân Hoa Kỳ; nắm bắt các cơ hội, tiềm năng của các đối tác ở cả hai nước để thông tin và kết nối hai bên; vận động chính quyền, Quốc hội Hoa Kỳ ưu tiên dành nguồn lực cho các chương trình, dự án với Việt Nam, thực hiện đúng các thoả thuận đã cam kết; tham gia rà soát, theo dõi tiến độ và góp phần thúc đẩy triển khai Tuyên bố chung và các kế hoạch hành động của đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.